Thành phần
Thuốc giảm đau Tramadol có thành phần:
- Tramadol hydrochlorid 50mg
Công dụng (Chỉ định)
- Thuốc Tramadol hydrochlorid 50mg được chỉ định điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng đau vừa đến đau nặng.
Liều dùng thuốc Tramadol
Uống
Viên nén
- Bệnh nhân 17 tuổi trở lên có đau mạn tính vừa và nặng vừa không cần tác dụng giảm đau nhanh có thể lúc đầu dùng viên nén thường tramadol hydroclorid với một chế độ chuẩn độ liều. Dùng liều ban đầu 25mg mỗi ngày vào buổi sáng, tăng liều với mức tăng 25mg (liều uống riêng rẽ), cách 3 ngày tăng một lần, tới liều mỗi lần 25mg, ngày 4 lần. Sau đó, có thể tăng liều hàng ngày, nếu dung nạp được, với mức tăng 50mg, cách 3 ngày tăng một lần, tới liều mỗi lần 50mg, ngày 4 lần. Sau khi chuẩn độ, có thể dùng liều 50 – 100mg, cách 4 – 6 giờ một lần. Liều uống mỗi ngày không vượt quá 400mg.
- Bệnh nhân 17 tuổi trở lên cần tác dụng giảm đau nhanh, và lợi ích của tác dụng giảm đau nhanh lớn hơn nguy cơ phải ngừng thuốc do ADR xảy ra khi dùng liều ban đầu cao, có thể dùng liều mỗi lần 50 – 100mg, cách 4 – 6 giờ một lần. Liều uống không vượt quá 400mg mỗi ngày.
Viên nén giải phóng kéo dài
- Khi dùng viên nén tramadol hydroclorid giải phóng kéo dài để điều trị đau mạn tính cho bệnh nhân 18 tuổi trở lên, liều ban đầu là 100mg, ngày một lần. Liều hàng ngày có thể tăng lên với mức tăng 100mg (liều uống riêng rẽ), cách 5 ngày tăng một lần, nếu dung nạp được. Liều uống không vượt quá 300mg mỗi ngày.
Dùng ngoài đường tiêu hóa
- Có thể dùng liều mỗi lần 50 – 100 mg, cách 4 – 6 giờ một lần, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm trong 2 – 3 phút, hoặc truyền tĩnh mạch. Để điều trị đau sau phẫu thuật, liều ban đầu là 100mg, tiếp sau đó là 50mg, cách 10 – 20 phút một lần nếu cần tới một tổng liều tối đa (bao gồm cả liều ban đầu) là 250mg trong giờ đầu tiên. Sau đó, dùng liều mỗi lần 50 – 100 mg, cách 4 – 6 giờ một lần, tới một tổng liều tối đa mỗi ngày là 600 mg.
- Liều thường dùng đường trực tràng dưới dạng thuốc đạn là mỗi lần 100 mg, tối đa 4 lần mỗi ngày.
- Bệnh nhân cao tuổi (trên 75 tuổi): Dùng liều tramadol hydroclorid ban đầu ở mức thấp của liều thường dùng, và tăng khoảng cách giữa các liều, liều mỗi ngày không vượt quá 300 mg.
Bệnh nhân suy thận và suy ga
- Bệnh nhân suy thận 17 tuổi trở lên có thể dùng viên nén tramadol hydroclorid với liều mỗi lần 50 – 100 mg, cách 12 giờ một lần, không quá 200 mg mỗi ngày.
- Bệnh nhân suy gan 17 tuổi trở lên có thể dùng viên nén tramadol hydroclorid với liều mỗi lần 50 mg, cách 12 giờ một lần.
- Không dùng viên nén giải phóng kéo dài cho bệnh nhân suy thận nặng hoặc suy gan nặng.
Cách dùng thuốc Tramadol 50mg
- Tramadol hydroclorid được dùng uống, tiêm tĩnh mạch hoặc đặt vào trực tràng dưới dạng thuốc đạn. Thuốc này cũng có thể dùng tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Khi uống phải nuốt nguyên vẹn cả viên thuốc giải phóng kéo dài. Sự giải phóng và hấp thu nhanh tramadol từ các viên thuốc giải phóng chậm bị vỡ hoặc nhai dẫn đến quá liều có thể gây tử vong.
Không sử dụng trong trường hợp sau (Chống chỉ định)
- Tiền sử quá mẫn với tramadol, bất cứ thành phần nào khác của chế phẩm hoặc thuốc có tính chất giống thuốc phiện khác.
- Ngộ độc cấp tính với các chất ức chế hệ thần kinh trung ương khác (như rượu, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau trung ương khác, thuốc có tác dụng giống thuốc phiện khác, thuốc hướng thần).
- Suy giảm hô hấp nặng.
- Bệnh động kinh không được kiểm soát bằng điều trị.
- Điều trị đồng thời hoặc sau khi ngừng điều trị với thuốc ức chế monoamin oxydase trong vòng 15 ngày.
- Suy thận hoặc suy gan nặng.
- Trẻ em dưới 15 tuổi.
Tác dụng không mong muốn (Tác dụng phụ)
Tramadol có thể gây các tác dụng điển hình của thuốc có tính chất giống thuốc phiện như suy giảm hô hấp và táo bón.
Thường gặp: ADR > 1/100
- Thần kinh trung ương: Đau đầu, ngủ gà, mất ngủ, tình trạng kích động, lo lắng, lãnh đạm, rét run, lú lẫn, suy giảm phối hợp, mất nhân cách, trầm cảm, khoan khoái, sốt, giảm cảm giác, ngủ lịm, đau, bồn chồn, khó chịu, mệt mỏi, chóng mặt.
- Tim mạch: Đỏ bừng, hạ huyết áp tư thế, đau ngực, tăng huyết áp, phù ngoại biên, giãn mạch.
- Da: Ngứa, viêm da, ban.
- Hô hấp: Viêm phế quản, sung huyết (mũi, xoang), ho, khó thở, viêm mũi họng, viêm họng, viêm mũi, sổ mũi, viêm xoang, hắt hơi, đau họng, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
- Tiêu hóa: Táo bón, buồn nôn, nôn, khó tiêu, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, tăng ngon miệng, giảm cân, đầy hơi.
- Nội tiết và chuyển hóa: Tăng glucose huyết, triệu chứng mãn kinh.
- Sinh dục – niệu: Đau chậu hông, rối loạn tuyến tiền liệt, bất thường về nước tiểu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đi tiểu luôn, bí tiểu tiện.
- Thần kinh – cơ và xương: Yếu ớt, đau khớp, đau lưng, tăng creatin phosphokinase, đau cơ, tăng trương lực, dị cảm, run.
- Mắt: Nhìn mờ, co đồng tử.
- Khác: Toát mồ hôi, hội chứng giống cúm, hội chứng cai thuốc, rét run.
Ít gặp: ADR < 1/100
- Hệ thần kinh: Dễ bị kích thích, mất trí nhớ, loạn chức năng nhận thức, khó tập trung, mất định hướng, giấc mộng bất thường, ảo giác, nhức nửa đầu, an thần, cơn động kinh, rối loạn giấc ngủ, khuynh hướng tự sát.
- Tim mạch: Phù mạch, nhịp tim chậm, điện tâm đồ bất thường, phù, giảm huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, hạ huyết áp thế đứng, đánh trống ngực, thiếu máu cục bộ ngoại biên, nghẽn mạch phổi, ngất, nhịp tim nhanh.
- Da: Hoại tử biểu bì, mày đay, mụn nước.
- Hô hấp: Co thắt phế quản, viêm phổi, phù phổi.
- Tiêu hóa: Viêm ruột thừa, khó nuốt, viêm dạ dày ruột, chảy máu dạ dày ruột, viêm miệng, rối loạn vị giác.
- Sinh dục – niệu: Tăng nitơ urê máu, tăng creatinin, khó tiểu tiện, tiểu tiện ra máu, giảm tình dục, rối loạn kinh nguyệt, protein – niệu.
- Thần kinh cơ và xương: Bệnh gút, cứng đờ, co cứng cơ, co giật cơ.
- Miễn dịch: Phản ứng dị ứng, phản ứng phản vệ, quá mẫn.
- Huyết học: Thiếu máu, giảm hemoglobin, giảm lượng tiểu cầu.
- Gan, mật: Tăng/giảm ALT, AST, viêm túi mật, bệnh sỏi mật, viêm gan, tăng enzym gan, suy gan.
- Tai, mắt: Đục thủy tinh thể, rối loạn thị giác, nhiễm khuẩn tai, ù tai, điếc.
- Khác: Toát mồ hôi đêm, hội chứng serotonin, rối loạn lời nói, hội chứng Stevens – Johnson, dáng đi bất thường, viêm mô tế bào, viêm túi thừa, viêm tụy.
- Hội chứng cai thuốc có thể gồm lo lắng, tiêu chảy, ảo giác, buồn nôn, đau, dựng lông, rét run, toát mồ hôi, và run. Các triệu chứng ngừng thuốc ít gặp có thể gồm lo lắng nghiêm trọng, cơn hoảng sợ, hoặc dị cảm.
Tương tác với các thuốc khác
- Các thuốc chủ vận/đối kháng với morphin (buprenorphin, nalbuphin, pentazocin) làm giảm tác dụng giảm đau của tramadol do phong bế cạnh tranh các thụ thể, với nguy cơ xảy ra hội chứng cai thuốc. Rượu làm tăng tác dụng an thần của tramadol.
- Benzodiazepin, barbiturat làm tăng nguy cơ suy giảm hô hấp có thể gây tử vong trong trường hợp quá liều. Carbamazepin làm giảm hoạt tính giảm đau của tramadol do làm giảm nồng độ trong huyết thanh.
- Nguy cơ cơn động kinh tăng lên nếu dùng tramadol với các thuốc khác có khả năng làm giảm ngưỡng gây cơn động kinh. Tramadol ức chế sự tái hấp thu noradrenalin và serotonin và làm tăng giải phóng serotonin, và có thể tương tác với các thuốc khác có tác dụng làm tăng dẫn truyền thần kinh monoaminergic gồm lithi, thuốc chống trầm cảm ba vòng, triptan, và thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin, do đó làm tăng nguy cơ hội chứng serotonin.
- Không dùng tramadol cho bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế monoamin oxydase hoặc trong vòng 15 ngày sau khi ngừng thuốc này để tránh nguy cơ hội chứng serotonin.
- Sự chuyển hóa của tramadol được trung gian bởi các isoenzym CYP2D6 và CYP3A4. Việc dùng các thuốc ức chế đặc hiệu các enzym này có thể làm tăng nồng độ tramadol và làm giảm nồng độ chất chuyển hóa có hoạt tính, và nguy cơ cơn động kinh hoặc hội chứng serotonin có thể tăng lên. Việc dùng ondansetron trước phẫu thuật làm giảm hiệu lực giảm đau của tramadol.
Lưu ý khi sử dụng Tramadol (Cảnh báo và thận trọng)
Người cao tuổi (đặc biệt trên 75 tuổi), bệnh nhân suy nhược và bệnh nhân có rối loạn hô hấp mạn tính có nguy cơ cao gặp ADR.
Phải sử dụng tramadol thận trọng ở bệnh nhân có tăng áp lực nội sọ, chấn thương sọ, rối loạn trung tâm hoặc chức năng hô hấp.
Tránh dùng ở bệnh nhân có ý định tự sát hoặc dễ bị nghiện; sử dụng thận trọng ở bệnh nhân đang dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm và ở người nghiện rượu.
Nhân viên y tế phải cảnh giác đối với sự lạm dụng và sử dụng sai thuốc. Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử bệnh động kinh hoặc ở người dễ bị cơn động kinh, và trong điều trị các bệnh cấp tính ở bụng vì thuốc có thể che lấp đau. Sử dụng thận trọng và giảm liều ở bệnh nhân suy gan hoặc suy thận. Việc dùng thuốc kéo dài có thể gây quen thuốc và nghiện thuốc; phải tránh ngừng thuốc đột ngột. Việc giảm dần liều dùng trong thời gian ngừng thuốc làm giảm nguy cơ xảy ra các triệu chứng cai thuốc. Sự an toàn và hiệu lực của tramadol hydroclorid chưa được xác định ở trẻ em dưới 16 tuổi đối với viên nén thường hoặc dưới 18 tuổi đối với viên nén giải phóng kéo dài.
Tramadol có thể có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, làm suy giảm khả năng hoạt động về tinh thần và thể chất, nên báo trước cho bệnh nhân phải thận trọng khi thực hiện các công việc cần sự tỉnh táo về tinh thần (như lái xe hoặc vận hành máy móc).
Phụ nữ mang thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai
- Tramadol đi qua nhau thai. Việc dùng tramadol trong thời kỳ mang thai đã gây một số trường hợp cơn động kinh, hội chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh, thai nhi chết và đứa trẻ chết khi sinh ra. Chỉ dùng tramadol trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ đối với thai. Không dùng tramadol trước và trong khi đẻ.
Thời kỳ cho con bú
- Tramadol chỉ tiết khoảng 0,1% vào sữa mẹ. Tuy nhiên, do trẻ rất nhạy cảm với thuốc này nên không được cho con bú trong thời gian dùng thuốc.
Bảo quản
- Nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh ánh nắng trực tiếp.
- Để xa tầm tay trẻ em.
Reviews
There are no reviews yet.